Khoa Khoa học cơ bản tổ chức sinh hoạt, học tập đầu năm tại miền đất thờ Tản Viên Sơn Thánh
Du xuân trẩy hội, lễ chùa là một hoạt động thường niên được công đoàn khoa Khoa học cơ bản- Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức cho cán bộ giảng viên trong Khoa mỗi dịp đầu năm nhằm phát huy và gìn giữ phong tục tốt đẹp của dân tộc cũng như tạo cơ hội gắn kết các thành viên trong Khoa qua các hoạt động tập thể. Ngày 2 tháng 3 năm 2025, Công đoàn bộ phận Khoa học cơ bản đã tổ chức cho cán bộ giảng viên trong Khoa đi sinh hoạt, học tập đầu năm tại miền đất thờ Tản Viên Sơn Thánh nằm trên núi Tản-Ba Vì.
Nằm trong khuôn viên của vườn quốc gia Ba Vì, núi Ba Vì được nhắc đến là “núi tổ của nước Đại Việt” mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Điểm đến đầu tiên của đoàn là đền Thượng, tọa lạc ở độ cao 1.227m so với mực nước biển, đền Thượng nằm trên đỉnh của ngọn núi Tản Viên một trong hai ngọn núi cao nhất của dãy núi Ba Vì và điểm đặc biệt là gần đỉnh thì thắt lại nhưng đến đỉnh lại xèo ra như chiếc ô. Đền Thượng thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn Tinh, vị thần tối Linh trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam và mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên vị thánh luôn đứng đầu trong tứ phủ Thánh Mẫu . Đường lên đền Thượng chỉ có duy nhất một đường men theo sườn núi dài khoảng 12km dọc đường đi có những loại cây cỏ đặc trưng của rừng nhiệt đới và cảnh quan dọc đường như bàn cơ tiên, miếu Sơn Thần Thổ Địa. Sau khi leo 500 bậc đá nhỏ dốc và hẹp Đoàn đã lên đến đền Thượng, ngôi đền được xây theo hình chữ nhất chỉ có một mái lộ thiên lợp ngói nghiêng bên cửa hang, mái sau của đền nằm ngầm bên dưới tảng đá, vách đá thắt cổ bồng linh thiêng đã có từ ngàn đời. Phía trên mái đá là những cây bách xanh cổ hàng trăm năm tuổi cành lá gân guốc nhuốm màu rêu phong trông tựa như những con rồng đang uốn lượn trên trời xanh. Trên đỉnh Tản Viên có pho tượng mẫu Cửu Trùng Thiên đang ngồi trên ngai với sắc thái toát lên sự trang nghiêm, linh ứng của vị mẫu cai quản chín tầng mây, có kích thước bằng người thật nặng hơn một tấn đồng.
Điểm đến tiếp theo của đoàn là đỉnh núi Vua đây là nơi cao nhất của dãy núi Ba Vì, nằm ở phía Đông và có chiều cao 1296m so với mực nước biển trên đó thờ vị Cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Để lên được trên đó Đoàn đã phải leo khoảng 1320 bậc đá bên vách núi và xuyên qua cánh rừng nguyên sinh với nhiều cây cổ thụ và dây leo chằng chịt và đi qua Tháp Báo Thiên hay còn gọi là Báo Thiên Bảo Tháp. Tháp gồm có 13 tầng, cao 26.9m trên đỉnh tháp có 1 quả hồ lô bằng đồng, xung quanh tháp có 8 vị thần hộ pháp hay còn gọi là bát bộ kim cương cũng được đúc bằng đồng. Bên trong tháp có 88 pho tượng lớn nhỏ và 8 vị kim cương quay về 8 hướng. Đền thờ Bác có kiến trúc độc đáo khác biệt so với các ngôi đền truyền thống bởi sự kết hợp phong cách kiến trúc cổ đại và hiện đại phù hợp với lời căn dặn của Người trong di chúc. Trọng tâm của ngôi đền đặt tượng Bác được đúc bằng đồng đỏ nguyên chất, phía sau là lá cờ tổ quốc phía trước là bức phù điêu với dòng chữ “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”. Giữa cửa đền đặt phiến đá xanh nguyên khối, bên trong phiến đá khắc bút tích di chúc của Bác, mặt ngoài phiến đá khắc trích đoạn điếu văn của Ban Chấp hành Trung Ương 3 đọc tại lễ tang Bác. Ngay trước phiến đá đặt một chiếc trống đồng phiên bản trống đồng hy cương Phú Thọ.Phía sau ngôi đền trên bức tường đầu hồi có gắn bức phù điêu với biểu tượng trống đồng và bản đồ nước Việt Nam thu nhỏ có gắn chữ nổi bằng đồng trích câu nói của Bác trong thời kỳ kháng chiến chống mỹ “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”
Rời đền thờ Bác Hồ, Đoàn tiếp tục tới đền Trung, ngôi đền được coi là có vị thế đẹp nhất và có quy mô lớn nhất trong các ngôi đền thờ Tản Viên ở Ba Vì với vị trí tọa lạc ở lưng chừng núi khá là bằng phẳng, cửa đền nhìn về hướng Tây đối diện là núi Chàng Rể, phía dưới là dòng sông Đà uốn lượn như một dải lụa, bên tả có suối Đền bên hữu có suối Tiên. Đền Trung có kiến trúc hình chữ Tam biểu tượng cho sự bền vững gồm Tiền tế, Đại bái, Hậu cung. Bên trong đền có miếu thờ Đức Ông, nhà Mẫu, nhà thờ Phật.
Điểm kết thúc của Đoàn là tại đền Hạ hay còn gọi là Tây Cung hay đền Năm dân, đền tọa lạc trên một bãi đất phẳng dưới chân núi Tản Viên, mặt hướng ra dòng sông Đà, đền thờ Tam vị Đức Thánh (Tản Viên Sơn Thánh; Cao Sơn Đại Vương; Quý Minh Đại Vương) với kiến trúc gồm điện thờ chính (Tiền Bái, Hậu Cung), Tam quan, nhà nhờ Mẫu, ngoài sân có tấm bia đá ghi dòng chữ “Tản viên từ ký” dựng vào năm Tự Đức thứ nhất 1848 triều Nguyễn.
Chuyến du xuân đầu năm Ất Tỵ 2025 của khoa Khoa học cơ bản đã kết thúc nhưng đã để lại trong lòng các thành viên trong đoàn rất nhiều cảm xúc bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, mang đậm giá trị lịch sử gắn liền với tín ngưỡng dân gian.
Một vài hình ảnh trong buổi sinh hoạt học tập đầu năm
Thứ Hai, 09:10 03/03/2025
Copyright © 2018 Hanoi University of Industry.